by: mnewsPosted on: 10/11/2023 Cô gái cưu mang 29 chú chó mèo, vay nợ chạy chữa cho “tụi nhỏ” lúc ốm đau Khi nói về đàn chó mèo mà mình đang chăm sóc, Ngọc Hạnh (nickname là Na) luôn âu yếm gọi chúng là “tụi nhỏ”, “em bé nhỏ”,… Vay tiền để cứu hộ chó mèo “Năm nay mình 29 tuổi, ngoài chó với nợ ra thì vẫn trắng tay” là cách mà Ngọc Hạnh (sinh năm 1993) giới thiệu về bản thân. Cô đang là thợ làm bánh tại 1 tiệm bánh nhỏ ở Biên Hòa (Đồng Nai). Hiện tại, Na nuôi 10 bé mèo, 14 bé chó tại nhà và hỗ trợ thêm 5 bé ở bên ngoài. Hầu hết số chó mèo này đi lang thang hoặc bị chủ bạo hành, bỏ rơi và khi đến tay Na đều ở trong trạng thái bệnh nặng, cận tử. Vì vậy cô phải chi một khoản không nhỏ mỗi tháng để chăm sóc và chạy chữa. Na và những người bạn nhỏ của mình Một trong số những đứa nhỏ mà Na mới cứu là MiNa, tháng vừa rồi tiền thuốc thang cho MiNa là hơn 2 triệu, tổng hóa đơn thú y là hơn 5 triệu. Cô tâm sự: “Tiền thuốc tụi nhỏ nặng lắm, đắt hơn của người nhiều. Người ta hay cười mình là lương 3 cọc 3 đồng mà bày đặt cứu hộ với chả nuôi chó nhưng mình bớt ăn vặt, bớt mua sắm lại. Ngoài ra mình còn may mắn gặp chị thú y có tâm, chị đã hỗ trợ một phần nhỏ tiền thú y mỗi tháng và giúp mình cứu rất nhiều đứa. Phần còn lại thì mình đi làm kiếm tiền và mượn nợ để chữa chạy cho tụi nhỏ”. Có thể với nhiều người, hành động đi vay tiền để cứu chó mèo của Na khá khó hiểu, thậm chí cô còn bị mọi người xung quanh gọi là khùng. Na cũng được gợi ý nên nhận tài trợ, như vậy bản thân đỡ vất vả hơn và cứu được nhiều ca hơn. Tuy nhiên sau khi suy nghĩ kĩ càng, Na vẫn quyết định tự lực cánh sinh, có bao nhiêu cứu bấy nhiêu vì “đời mà, đâu ai dám chắc về sau mình vẫn còn tử tế đâu”. Những câu chuyện xúc động Được biết, Na bắt đầu nhận nuôi chú chó đầu tiên từ 11 năm trước. Sau ngần ấy thời gian, mỗi bạn nhỏ mà Na nhận nuôi là một câu chuyện dài, có đau đớn, có hạnh phúc và có cả xúc động. MiNa – bé mèo mà Na đang dốc lòng chạy chữa cũng là một trong số đó. MiNa đi lạc vào nhà người quen của cô để kiếm ăn, khi bị phát hiện thì đã ở trong tình trạng rất tệ, chỉ là một bộ xương nằm thoi thóp, không thể tự đứng dậy, không thể tự ăn uống và tiếng kêu chỉ là âm thanh nhỏ bé yếu ớt. “MiNa cố lên, chỉ cần con muốn sống thì Na sẽ không bỏ cuộc, bao nhiêu tiền cũng được hết. Chỉ cần con muốn sống thôi, hãy sống để Na được bù đắp lại cho con quãng đời trước đó” – là những gì mà Na nói với chú mèo nhỏ. Và may mắn thay, sự cố gắng của Na đã đem lại dấu hiệu tích cực cho MiNa: “Em bé đã biết tự đứng dậy đi lại thay vì nằm 1 chỗ cả ngày, biết nằm thoải mái khi ngủ thay vì cuộn tròn co ro một cách đơn độc khắc khổ. Và hơn hết MiNa giờ đã nhận được sự yêu thương, được dỗ dành mỗi khi ngủ, được ôm mỗi khi thức giấc”. MiNa Câu chuyện đau đớn và hối hận nhất của Na là về chú chó tên Rơm. Cô gặp Rơm ở Đà Lạt, khi đó Rơm đã bị ung thư, di căn giai đoạn cuối và đang mang trên mình những khối u hôi tanh. Điều này khiến chủ nhân của Rơm bỏ chú chó ra đường, phải nằm co ro ở bãi rác. Sau khi thuyết phục chủ nhân của Rơm, Na ôm chú chó nhỏ đi mổ cấp cứu. Sau đó cô tiếp tục đưa xuống TP.HCM để chạy chữa và hứa với Rơm rằng sẽ đưa em bé về lại Đà Lạt. Tuy nhiên các bác sĩ lần lượt từ chối chữa trị vì Rơm không còn cơ hội sống nữa. “Vài hôm sau, nhận quá nhiều tác động từ mọi người và phải lựa chọn giữa việc để Rơm sống trong đau đớn hoặc an tử, mình đồng ý ký giấy trợ tử. Khi ấy mình chỉ nghĩ đơn giản là không muốn Rơm chịu đựng đau đớn nữa và để nét chữ nhỏ xíu cướp đi quyền sống của Rơm” – Na đã không thể thực hiện lời hứa với Rơm. Bức ảnh cuối cùng của Rơm “Đã nuôi chó mèo thì phải có trách nhiệm với nó” Nếu như Na cố gắng đem lại sự sống, đem lại một cuộc đời tốt đẹp hơn cho chú chó, chú mèo bất hạnh thì ngược lại cô cũng nhận được rất nhiều thứ từ những người bạn 4 chân. Đó là bài học trách nhiệm, là cách chăm sóc một cuộc đời, là động lực sống duy nhất của Na đến thời điểm hiện tại. “Rơm đã thay đổi toàn bộ nhận thức của mình về mọi thứ, dạy mình biết hối hận là gì. Hồi đó mình đem câu chuyện của Rơm kể với người chị làm thú y. Chị bảo: ‘Em làm vậy là sai, đã tồn tại trên cuộc đời này thì dù là con vật hay cây cối đều có quyền được sống. Tại sao em không cố gắng mà lại tước đi quyền sống của nó?’. Câu nói ấy khiến mình tỉnh ra. Tại sao khi đó không ai nói mình rằng ‘Hãy cố gắng đi cùng Rơm đến ngày cuối cùng’? Nhưng mình biết lỗi vẫn là do mình. Do mình đã tiếp nhận ca vượt sức của bản thân, chẳng có kinh nghiệm cũng chẳng đủ quan hệ để nhờ đến sự hỗ trợ lớn hơn. Đến giờ mình vẫn nghĩ là mình sai, vẫn tự trách bản thân vô dụng vì không làm được gì cho Rơm cả” – Na kể lại. Xù – chú chó đầu tiên mà Na nhận nuôi lại dạy cô cách quan tâm chăm sóc một cuộc đời là như thế nào: “Hơi buồn cười nhưng có thể nói, Xù là một người thầy của mình. Con người chỉ dạy mình bài học về đau thương còn những điều tốt đẹp và sự tử tế bây giờ của mình là do tụi nhỏ dạy”. Xù được Na đưa về Đà Lạt thăm Rơm Thậm chí, chăm sóc đàn chó mèo còn là lý do sống duy nhất của Na. “Ở những khoảnh khắc tệ nhất của cuộc đời, chỉ có tụi nhỏ ở bên và buộc mình tiếp tục sống. Nếu không gặp mấy đứa nhỏ đáng thương đó, có lẽ mình đã tìm đến cái chết lâu rồi. Thế nên mình phải sống, phải cố gắng để bù đắp và yêu thương tụi nhỏ”. Hơn hết thảy, Na vẫn đang cố gắng trong từng phút giây để có thể giành giật sự sống cho những chú chó, chú mèo kém may mắn. Cô cũng mong câu chuyện của tụi nhỏ có thể thay đổi cách nhìn nhận của mọi người về loài vật, về chó mèo, về những gì mình đã nuôi thì cần phải có trách nhiệm với nó.