Phim Việt được phát sóng giờ vàng ngày càng cải thiện chất lượng và được đông đảo khán giả yêu thích. Tuy nhiên, những bộ phim khai thác các nghề nghiệp đặc thù như bác sĩ, công an, luật sư vốn đòi hỏi kịch bản phải kỹ lưỡng, chặt chẽ, đúng chuyên môn thì lại thường xuyên mắc những lỗi sai khó đỡ, khiến bộ phim như thể trò trẻ con. Các bộ phim Biệt Dược Đen, Hành Trình Công Lý, Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt, Người Phán Xử liên tục trở thành tâm điểm “ném đá” của cư dân mạng vì những lỗi sai ngớ ngẩn này.
Đạo diễn Nguyễn Khải Anh – Phó giám đốc Trung tâm Phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) khẳng định bộ phim Biệt Dược Đen được đầu tư kỹ lưỡng, chất lượng từ kịch bản phim đến bối cảnh. Anh chia sẻ:
“Bối cảnh, chi tiết được sử dụng trong phim được đầu tư và không khác một bộ phim điện ảnh. Đây là dự án tốn nhiều chất xám bởi phim cảnh sát hình sự là mô típ rất quen nhưng điều mà nhóm biên kịch chúng tôi cần làm là lồng ghép vào đó những thông điệp ý nghĩa với xã hội”.
Tuy nhiên, bộ phim được “thai nghén” suốt 2 năm này khi lên sóng lại khiến nhiều khán giả thất vọng. Đầu tiên là do diễn xuất đơ cứng của nữ diễn viên Lương Thanh và sự nhạt nhoà của nam chính Huỳnh Anh. Tiếp theo là kịch bản bị chê vòng vo, không hấp dẫn, không đi vào trọng tâm vụ án.
Sau cái chết Vương (Tuấn Anh) – thủ lĩnh Cityboy – nhóm các công tử tiểu thư hư hỏng, đội cảnh sát hình sự phải cân não để đi tìm thủ phạm thực sự. Kết quả, Dương (Lương Thanh) khi phát hiện hung thủ là Phượng (Huyền Trang) thì lại tỏ ra thương xót và đồng cảm. Thậm chí, cô còn có ý định bao che, không báo cáo về những manh mối mình có được về Phượng cho tổ điều tra. Dương bật khóc nói rằng sau khi đọc kịch bản của Phượng thì cô không thể không đồng cảm với thủ phạm.
Chi tiết này đã khiến cả Lương Thanh và phim Biệt Dược Đen bị khán giả, đặc biệt là người trong ngành công an chỉ trích. Bởi nguyên tắc mà bất cứ người cảnh sát nào cũng phải tuân thủ đó là “công tư phân minh”, phán đoán chính xác để bắt tội phạm một cách sớm nhất. Bộ phim đã khiến người xem có cái nhìn sai lệch về công việc, lý trí của người chiến sĩ cảnh sát hình sự. Diễn xuất tệ, đơ cứng của Lương Thanh lại càng khiến nhân vật Dương của cô bị nhiều khán giả ghét hơn.
Luật sư “phản bội” thân chủ
Trong phim Hành Trình Công Lý, Phương (Hồng Diễm) được giới thiệu là một sinh viên ưu tú chuyên ngành luật. Nhưng sau khi lấy Hoàng (Việt Anh), cô đã quyết định từ bỏ sự nghiệp, toàn tâm toàn ý làm một “người vợ tốt” để chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, con đường làm dâu hiền vợ đảm của Phương ở Hành Trình Công Lý sụp đổ hoàn toàn khi Hoàng bất ngờ bị tung video ân ái cùng nhân tình lên mạng rồi trở thành nghi phạm giết người.
Không thể tha thứ cho chồng, Phương quyết định chia tay Hoàng, cùng hai con dọn ra ngoài và bắt đầu cuộc sống mới – cuộc sống tự tiêu tiền mà mình kiếm ra. Dưới sự giúp đỡ của Quân (Quốc Huy), Phương đã bắt đầu một chương mới trong cuộc đời với tư cách một luật sư.
Nhưng ngay trong vụ án đầu tiên, Phương đã làm sai nguyên tắc của ngành luật khi phản bội lại thân chủ của mình để bảo vệ bên bị đơn. Nếu Phương không đồng tình với thân chủ, cô có quyền từ chối tiếp tục theo đuổi vụ án, hoặc hướng hai bên tới cái kết đẹp nhất là một vụ hoà giải. Còn hành động phản bội thân chủ của Phương sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng và uy tín của văn phòng luật nơi cô làm việc, đẩy công ty vào rủi ro bị khách hàng kiện ngược vì vi phạm điều khoản hợp tác. Hành động của Phương khi giúp bị đơn thắng kiện đã vi phạm nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, cô có thể phải đối mặt với việc bị tước giấy phép hành nghề.
Trong một vụ án khác, Phương nhận bảo vệ người vợ trong vụ kiện tranh giành quyền nuôi con. Phương biết người chồng tên Cường (Doãn Quốc Đam) có nhân tình và muốn tận dụng chứng cứ này để giúp người vợ thắng kiện. Khi biết tin Cường hẹn người tình đến khách sạn, Phương liền cùng đồng nghiệp tìm tới tận nơi.
Khi gặp lễ tân, Phương trình bày cô đang theo đuổi một vụ kiện và đây là bằng chứng duy nhất để có thể giúp người vợ giành quyền nuôi con. Lễ tân lập tức từ chối, cho rằng không được phép tiết lộ thông tin cá nhân. Phương liền dúi một khoản tiền vào tay lễ tân và tiếp tục nhờ giúp đỡ.
Hành động của Phương đã ngay lập tức bị cả giới luật sư và khán giả phản đối gay gắt vì việc đưa tiền để lấy thông tin cá nhân của người khác như vậy là vi phạm pháp luật. Một luật sư có rất nhiều kĩ năng để thu thập tài liệu chứng cứ nhưng cách làm của Phương đã làm sai lệch, làm xấu đi hình ảnh của người luật sư với công chúng. Việc Phương luôn muốn bênh vực kẻ yếu mọi lúc mọi nơi, hành xử cảm tính cũng bị chỉ trích không phải là tác phong của một luật sư chuyên nghiệp.
Diễn xuất của Hồng Diễm cũng bị nhận xét quá mềm yếu, đơ cứng, không toát lên được thần thái của của một nữ luật sư thông minh, quyết đoán và tài giỏi.
Lỗi nghiệp vụ không thể chấp nhận được
Ngoài ra, hai bộ phim Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt và Người Phán Xử cũng từng mắc phải những lỗi chuyên môn khiến người trong ngành phải lắc đầu ngao ngán. Khi ê-kíp bác sĩ của Hậu Duệ Mặt Trời bản Việt phẫu thuật cho bệnh nhân VIP ở tình trạng nguy kịch, màn hình monitor lại hoàn toàn đen sì. Găng tay y tế khi phẫu thuật quá rộng không đảm bảo an toàn cho bác sĩ, gây khó khăn khi làm việc. Đoàn phim còn “ẩu” tới mức sử dụng một mảng thịt cho bác sĩ quay cảnh phẫu thuật khiến cả những khán giả bình thường cũng phát hiện ra cảnh phim giả quá giả.
Còn ở bộ phim Người Phán Xử, giấy ủy quyền nhưng người ủy quyền chưa ký, vậy mà luật sư vẫn giải quyết được. Những người làm việc trong ngành luật đều bày tỏ thắc mắc vì sao cả một ê-kíp lại có thể phạm một lỗi sai lớn tới như vậy.
Đông đảo khán giả đều cho rằng những bộ phim xoanh quanh những ngành nghề đặc thù thì nên mời những cố vấn tới từ những ngành nghề đó để không xảy ra sai sót trong kiến thức chuyên môn. Bởi bộ phim sai kiến thức chuyên môn sẽ khiến người xem có cái nhìn sai về ngành nghề đó, đồng thời những kiến thức sai nếu có người áp dụng trong cuộc sống có thể xảy ra nguy hiểm.