Hoàng Hà là gương mặt không còn xa lạ, cô từng gây sốt với nét đẹp trong trẻo, tràn đầy sức sống khi vào vai “nàng thơ” Dao Ánh trong phim điện ảnh Em và Trịnh. Vai diễn này đã giúp Hoàng Hà được góp mặt trong danh sách đề cử của 2 giải thưởng lớn là Mai Vàng 2022 và Ngôi sao xanh 2022.
Hoàng Hà sinh năm 1996, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Cô bắt đầu theo đuổi công việc diễn xuất từ năm 2015. Cô góp mặt trong một số phim ngắn và quảng cáo như Thanh xuân, Nụ cười từ trái tim, 17 một lần nữa, Cô gái của những ngày đã qua, Tết gần tết xa,…
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Dân trí, nữ diễn viên trẻ chia sẻ về lần đầu chạm ngõ màn ảnh VTV và những tin đồn, tuổi thơ và tình yêu hiện tại…
Hoàng Hà trong phim điện ảnh “Em và Trịnh” (trái) và phim truyền hình “Chúng ta của 8 năm sau” đang phát sóng trên VTV.
Bất ngờ khi đạo diễn chọn đóng vai chính
Lần đầu “chạm ngõ” màn ảnh VTV nhưng Hoàng Hà đã được giao vai chính. Ở mảng điện ảnh, bạn cũng thường đảm nhận những vai nữ chính. Với bạn, hành trình nghệ thuật như “trúng số độc đắc” hay áp lực nhiều hơn?
– Từ đầu, tôi làm nghề bởi niềm yêu thích, đam mê nên không nghĩ đến “trúng số độc đắc” hay áp lực.
Khi được mời đóng một bộ phim có câu chuyện hấp dẫn, nhân vật hay, tôi sẽ rất thích thú và chuẩn bị kỹ lưỡng cho vai diễn đó.
Trong quá trình xây dựng nhân vật, hoặc gần đến ngày quay tôi mới thấy áp lực rằng, liệu mình có làm tốt không hay có cảnh nào làm khó mình không?
Tôi từng đóng MV Nàng thơ, nhưng đến Em và Trịnh mới được mọi người biết đến nhiều. Chính điều ấy khiến tôi áp lực. Đến phim Chúng ta của 8 năm sau, mọi người biết đến tôi nhiều hơn nữa.
Tôi nhận ra hành trình này không chỉ có mỗi mình cùng đam mê diễn xuất mà còn có khán giả. Tôi luôn cố gắng bình tĩnh đón nhận những ý kiến khen, chê, lắng nghe và chắt lọc để không cảm thấy quá áp lực trước những phản ứng của công chúng.
Vậy bạn nghĩ sao nếu người ta cứ đồn rằng, Hoàng Hà còn trẻ, kinh nghiệm đóng phim chưa nhiều thì chắc hẳn phải có sự nâng đỡ hoặc nhờ mối quan hệ hay phải đánh đổi mới được như vậy, thậm chí bỏ tiền để mua vai ?
– Tôi thấy rất vô lý.
Nó giống như chuyện nghe thấy rất xa bên ngoài và không có gì liên quan đến mình. Người ta vẫn bảo có tật giật mình, nhưng tôi rất đàng hoàng và không quan tâm đến những tin đồn đó, chẳng có gì phải giật mình cả.
Nếu mọi người cố gắng để tìm cũng không có bằng chứng nào cho chuyện đó.
Lúc đọc được vài bình luận như thế, tôi ngạc nhiên vì thấy người ta không dám tin rằng có những giá trị đích thực được công nhận.
Có thể họ đã nhìn thấy quá nhiều thứ tiêu cực và không công bằng trong cuộc đời, nên đến lúc một “mầm non” như tôi trỗi dậy và ở vị trí trung tâm thì rất khó để tin và chấp nhận chăng?
Lúc đầu tôi cũng tự hỏi tại sao mọi người lại nói thế, nhưng khi nghĩ kỹ lại thì tôi thấy, đúng là… có những người, khi nhìn vào một tờ giấy trắng, họ sẽ chỉ nhìn vào cái chấm đen mà thôi.
Thôi thì mình có thể là một trong những người đầu tiên để họ có thêm một góc nhìn khác: Cuộc đời này không bất công như thế đâu.
Tôi biết nhiều khán giả ngạc nhiên vì tôi được giao vai chính ngay trong lần đầu đóng phim của VFC.
Tôi nghĩ một phần do năng lực, một phần đến từ cảm giác tin tưởng mà đạo diễn dành cho mình, tin rằng mình sẽ làm được, mình chính là nhân vật mà đạo diễn đang tìm và nhờ cả sự may mắn nữa.
Gia đình tôi không ai làm nghệ thuật, cũng chẳng có ai quen biết, nên chưa bao giờ tôi dùng quan hệ hay nhờ ai nâng đỡ để được đóng vai chính phim VFC hay điện ảnh.
Đánh đổi hay bỏ tiền mua vai lại càng không. Vì hành trình nghệ thuật của tôi bắt đầu từ Em và Trịnh. Trước khi casting (thử vai) năm 2020, tôi đã học diễn xuất từ năm 2015.
Tôi đã phải mất 5 năm trau dồi và nỗ lực từng ngày để được ghi nhận, tin tưởng.
Nhưng hỏi thật, bạn có bất ngờ không khi được các đạo diễn mời đóng vai chính?
– Nói đúng hơn là tôi bị bất ngờ mỗi khi đạo diễn chọn mình. Chọn rồi nhé chứ không phải gọi hay mời tôi thử vai nữa.
Bởi tôi là một người tin vào chuyện casting. Một trong những người thầy truyền cảm hứng cho tôi, cho tôi niềm tin vào casting, coi casting là một chuyện cần thiết chính là anh Leon Lê, đạo diễn phim Song Lang.
Nó không nói lên diễn viên nào giỏi hơn mà quan trọng là người diễn viên nào thực sự phù hợp cho vai diễn trong phim. Kể cả ở Hollywood thì những sao hạng A vẫn casting như bình thường. Nên tôi tin rằng, phải casting thì mới biết có hợp làm nhân vật này hay không.
Khi đạo diễn Bùi Tiến Huy của Chúng ta của 8 năm sau hay đạo diễn Trần Hữu Tấn phim Kẻ ăn hồn mời tôi, trong đầu tôi chỉ nghĩ là casting thôi.
Nhưng khi đến thì kết quả là… đã chọn mình luôn rồi (cười). Tôi còn hỏi lại đạo diễn: “Làm sao mọi người có thể tin em mà chọn nhanh thế?”. Các anh ấy nói rằng, đó là cảm giác của một người đạo diễn: “Tôi tin bạn chính là nhân vật đấy”.
Cuối cùng, tôi chỉ biết gật đầu và đọc kịch bản xem có thích không, có phù hợp với nhân vật đấy không.
Còn cảm giác của đạo diễn, tôi sẽ tôn trọng họ.
Đấy là một điều khá thú vị mà tôi nhận ra mình đang có được. Và sự bất ngờ của tôi cũng cho thấy rằng, tôi không hề được nâng đỡ hay nhờ mối quan hệ với ai cả.
Tôi thật sự chỉ cố gắng làm tốt việc của mình thôi.
Với vai Mai Dương trong “Chúng ta của 8 năm sau”, bên cạnh những lời khen, nhiều khán giả cũng có ý kiến trái chiều. Là một tân binh mới của VFC, bạn đón nhận những điều đó thế nào?
– Tôi thấy những ý kiến trái chiều cũng rất thú vị. Tôi có thể nhìn thấy được nhiều góc nhìn khác nhau của khán giả. Có những người bình luận điều họ không thích một cách rất văn minh, nhưng có khán giả thì ngược lại.
Dù vậy, tôi không có quyền trách họ. Tôi sẽ đọc và nghĩ xem, họ thật sự không thích mình hay nhân vật của mình.
Nhân vật Mai Dương vì để tạo được sự thu hút nên cô ấy rất nhiều năng lượng, đôi khi hơi quá, hơi lố.
Có thể mọi người sẽ quen với việc nữ chính phải nền nã, nề nếp, nhất là người ở ngoài Bắc nên sẽ thấy không quen mắt với nhân vật này.
Vì vậy, tôi phải bình tĩnh, kiên nhẫn và xem những tính cách tiếp theo của nhân vật có được khán giả thích hay không. Điều gì khán giả nói đúng, tôi sẽ rút kinh nghiệm, chứ không vì những ý kiến đó mà “rơi xuống”.
Khi quyết định thử sức với truyền hình, tôi biết mình phải sẵn sàng đón nhận ý kiến của số đông. Tôi cũng háo hức xem mình sẽ được khen, chê nhiều như thế nào.
Tuy nhiên, tôi nghĩ diễn viên khi nhận dự án và có góc nhìn rõ ràng về chuyên môn, ít nhiều họ sẽ đánh giá mình có thể làm được bao nhiêu trên thang điểm 10. Sau hai tháng quay phần một của phim, tôi ít nhiều cảm nhận được nhân vật của mình sẽ được yêu thích nhiều hơn. Dù không chắc chắn 100%, tôi vẫn có cảm giác tự tin một chút.
Đến bây giờ, sau khi xem phim và đọc bình luận, biết phản ứng của khán giả thì tôi thấy có thể ưng ý khoảng 70-75% (cười).
Tôi khó tính với bản thân để khán giả dễ và ưng ý với nhân vật của mình
“Tôi không mê trai đẹp như Mai Dương”
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, người con gái Hà Thành vốn nổi tiếng thanh lịch, nền nã nhưng Hoàng Hà lại làm việc ở Sài Gòn, vùng đất với những con người có tính cách rất cởi mở và phóng khoáng. Trong phim, bạn lại là một Mai Dương sôi nổi, mê trai đẹp. Vậy đâu là con người thật của Hoàng Hà ngoài đời?
– Tôi nghĩ sự nghiệp diễn xuất đã tạo nên con người mình. Trước khi làm diễn viên, tôi khá nền nã. Nhưng ngay từ nhỏ, tôi đã có phần nổi loạn ngầm bên trong. Khi lớn lên, năm nào tôi cũng học một môn nghệ thuật nào đấy bằng tiền tiết kiệm chứ không xin bố mẹ.
Quá trình đó giúp tôi nhận ra mình không hoàn toàn giống như vỏ bọc “con ngoan trò giỏi” mà có thể có nhiều nét tính cách khác.
Trong mỗi dự án, tôi được phép lấy những tính cách ấy ra, dần dần tôi mạnh dạn, phóng khoáng, tự tin và cũng thấy bản thân thú vị hơn.
Một điều nữa là tôi không mê trai đẹp như Mai Dương trong phim đâu (cười).
Nhiều người cũng tò mò tuổi thơ của Hoàng Hà thế nào và bạn đến với nghệ thuật ra sao?
– Tôi nhớ những ngày đầu tiên theo đuổi nghệ thuật khi đang học đại học, bố mẹ có nói với tôi rằng: “Con ơi! Con có thích lắm thì cũng chỉ làm nghề tay trái thôi nhé!”.
Cho đến vài năm sau, khi tôi có những thành quả lớn nhỏ thì bố mẹ yên tâm được phần nào. Từ thời điểm tôi đóng MV Nàng thơ , bố mẹ rất ủng hộ và luôn chờ đợi để được xem các sản phẩm của con gái, mong tôi lên VTV để bố mẹ được xem.
Tôi sinh ra trong một gia đình cơ bản, bố mẹ làm nhà nước, cũng không khá giả. Theo như lời bố mẹ kể, hồi nhỏ nhà tôi không có nhiều tiền, bố mẹ đã rất vất vả để nuôi lớn hai chị em gái.
Nhưng vì được bố mẹ và các bác rất yêu thương nên trong ký ức của một cô bé, tôi không hề nhớ gì về chuyện nghèo cả mà chỉ thấy mình được lớn lên rất vui vẻ.
Đến trường mẫu giáo, tôi không được mua đồ chơi như các bạn. Mỗi lần đi qua quầy bán đồ chơi, mẹ tôi sẽ bảo: “Đừng có nhìn vào đấy. Nổ mắt đấy!” (cười), vì mẹ không có tiền để mua.
Tôi cũng ngây thơ nên tin lời mẹ và không dám nhìn vào nữa. Dần dần, tôi lớn lên trong sự giản dị, chẳng biết đòi hỏi hay mặc đẹp.
Cho đến khi làm diễn viên, mọi người giúp tôi mặc đồ đẹp để diễn thì tôi mới ý thức về ngoại hình hơn.
Bạn có xác định trở về làm việc ở Hà Nội và bước vào con đường phim truyền hình thênh thang, rộng mở sau này?
– Tôi cũng hy vọng nó thênh thang. Nhưng tôi không nghĩ việc làm phim truyền hình hay làm việc ở Hà Nội là “trở về” đâu.
Quan điểm của tôi là công việc ở đâu, tôi ở đấy.
Ở Hà Nội, với công việc đóng phim, tôi chưa thấy nhiều nơi làm việc đủ chất lượng ngoài VFC. Nhưng nếu xuất hiện liên tục trên sóng VTV thì với tôi không phải là ý hay.
Tôi nghĩ không chỉ khán giả mà chính nghệ sĩ cũng cần khoảng nghỉ, nếu không sẽ dễ bị mất cảm hứng làm nghệ thuật.
Bạn nghĩ sao về định hình phong cách cho mình khi là một người hoạt động trong giới giải trí?
– Quan điểm của tôi khá rõ ràng. Làm nghệ sĩ hay làm người của công chúng cũng nên đẹp.
Nhưng tôi nghĩ rằng, một người diễn viên không nên đóng khung mình vào một hình tượng nhất định vì điều đó sẽ làm khó họ khi vào những nhân vật khác nhau.
Mình vẫn đẹp nhưng không cố theo đuổi một hình tượng đích nào cả. Dựa vào tính cách của mình, thời điểm này mình thích mặc phong cách cổ điển, thời điểm khác lại cá tính, nổi loạn hơn hoặc có thể sexy.
Khi mình càng thật thà với chính mình sẽ càng diễn chân thật hơn. Đây là điều tôi cực kỳ tâm đắc.
Tôi nghĩ, không cần phải gồng lên, không cần tỏ ra quá thu hút. Nếu làm tốt công việc của mình, bất kể là công việc nào thì bạn cũng sẽ thu hút thôi.
Trong tình yêu điều quan trọng nhất là cảm xúc
Hoàng Hà có quan điểm như thế nào về yêu và lấy người trong nghề? Bản thân bạn có quy tắc sẽ không yêu và lấy người trong nghề không?
– Tôi quan niệm rằng, trong tình yêu, cảm xúc phải là thứ đến đầu tiên.
Nhưng bên cạnh đấy mình cũng nhìn thực tế. Nếu như hai người cùng là diễn viên, cùng thành công và có nguồn tài chính tốt thì sẽ đến với nhau.
Còn nếu rung động mà 1 trong 2 người không thành công, không đảm bảo được kinh tế về sau thì cũng rất khó để đi đường dài.
Tôi không thích cảm giác mỗi ngày về là trách cứ nhau vì chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Có thể mình làm nghệ thuật nhưng đồng thời sẽ kinh doanh thêm để nuôi đam mê nghệ thuật.
Còn tôi cũng không giới hạn, gò bó chuyện không được hay được phép yêu, lấy người trong nghề.
Xinh đẹp, trẻ trung, có những vai diễn chính diện trên điện ảnh và truyền hình thì chắc hẳn ngoài đời bạn cũng có rất nhiều trai đẹp, quý ông tỏ tình?
– Tôi chỉ mới có duy nhất 1 người yêu cũ. Còn lại là hẹn hò, tìm hiểu thôi, chưa có người nào được gọi là người yêu cũ thứ hai cả.
Trong chuyện tình cảm, tôi khá kỹ tính và để tôi đồng ý bước vào một mối quan hệ là điều khá khó.
Mối tình ngày xưa của tôi trải qua một năm rưỡi.
Còn hiện tại thì… xin được bí mật (cười).
Trong tình yêu, Hoàng Hà là một người như thế nào?
– Tôi thấy mình là một người rất tình cảm và khá thú vị.
Hoàng Hà có quan điểm như thế nào về việc yêu “phi công” hoặc “ông chú” hơn mình 15 – 20 tuổi?
– Tôi nhớ người nhiều tuổi nhất mình từng rung động là hơn 9-10 tuổi thôi.
Trước đây, tôi nghĩ mình kỹ tính và thích học hỏi nên sẽ thích người hơn tuổi, nhưng sau quá trình sống và trải nghiệm, có lúc tôi nhận ra có thể “đổ” một người nhỏ hơn mình vài tuổi. Lúc ấy tôi rất bất ngờ.
Còn về chuyện yêu một “ông chú” hơn 15-20 tuổi thì tôi chưa trải qua nên cũng không biết (cười).
Cảm ơn bạn về những chia sẻ!